Do tính cách đọc thơ hoàn toàn chủ quan như đã nói ở trên, xin bạn đừng xem đây như một thiên khảo cứu hay một bộ sưu tập về thi ca Việt-nam. Tôi đọc bằng cảm xúc, không đọc bằng kiến thức. Nếu những lời bàn nào đó của tôi đối với một bài thơ mà không đúng ý tác giả thì chẳng có nghĩa rằng tôi hiểu sai đâu, mà chỉ vì tôi đọc thơ tác giả đó bằng cái hồn, cái giọng, cái cảm xúc của tôi đấy thôi. Xin đừng càm ràm, phiền trách. (Vả chăng, này các thi nhân, các bạn có thể nào chỉ tôi làm thơ cách sao mà không bị người khác hiểu sai ý không?) (trích LỜI THƯA của Vĩnh Hảo viết cho các trang "Đọc thơ")

 

 

Kim Tuấn

 

 

Tôi chỉ được biết một bài duy nhất của Kim Tuấn là bài Tháp cổ, đăng trên một số nào đó của Tạp chí Tư Tưởng (của miền Nam trước năm 1975). Dường như bài này và bài Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn có mối liên hệ thế nào đó vì tôi nhớ thi sĩ Kim Tuấn có đề tặng bài thơ này cho Trịnh Công Sơn và Ðinh Cường.  Và nếu tôi nhớ không lầm thì ông này là bác sĩ Y-khoa, phục vụ trong quân đội (VNCH), binh chủng Không quân. 

Tôi được đọc trong xấp báo cũ sót lại vào năm 1977, lúc còn ở Nha Trang, thích và nhớ đến bây giờ:

 

Mưa bay, mưa bay, mưa buồn tháp cổ

Anh xa quê hương nước mắt Chiêm Thành

Anh xa quê hương bao giờ trở lại?

Giọt sầu nhỏ xuống đêm đen.

Như chim tha hương qua miền gió lạnh

Cánh nối đường mây thương nhớ ai hoài

Dù chỉ một lần đi kiếm tương lai

Hai bàn tay không, hai bàn chân mỏi

Giận mình hóa kiếp muôn năm

Nước mắt anh đây, cuộc đời giả trá

Có gì để nhớ nhau thêm?

Ðường xa, đường xa, bên rừng núi đứng

Thương em trăm năm giấc mộng êm đềm.

 

Mưa bay mà lại buồn tháp cổ. Tháp cổ nào đây? Tháp Chàm ở Phan Rang hay Nha Trang? Có lẽ là Nha Trang. Tháp Chàm ở Nha Trang là một thắng cảnh, nằm trên ngọn đồi thấp, cạnh sông. Ðứng quanh khuôn viên tháp có thể nhìn ngắm thuyền qua sông và xe cộ qua lại trên cầu Xóm Bóng, nhìn xa thấy Hòn Chồng. Có sông rộng dẫn ra biển khơi. Nơi đây có thể là nơi hò hẹn lý tưởng. Chàng và nàng thường hẹn nhau ở đó. Bây giờ nàng đi lấy chồng và chàng vẫn tiếp tục những chuyến bay xa. Bay ngang ngôi tháp cổ, chạnh lòng nhớ lại bao kỷ niệm ngày xưa. Tháp cổ, chuyện xưa. Buồn theo mưa bay. Tháp cổ đã nghìn năm. Chuyện xưa thì chẳng xưa bao lâu mà cũng tưởng như nghìn năm bởi nó cho mình dấu ấn của niềm đau khổ uất hận. Giống như nỗi đau của quê hương Chiêm Thành. Trong chuyến bay đêm, không chia tay được với người yêu, chỉ chia tay được với ngôi tháp cổ trơ vơ dưới cơn mưa lạnh.

 

Nhịp thơ đi thật nhẹ và buồn ngay từ đầu bài. Giống một người đang khóc tràn như mưa bay. Ðến câu thứ tư thì đổi nhịp, tợ như một tiếng nấc, một nỗi nghẹn:

Mưa bay, mưa bay, mưa buồn tháp cổ

Anh xa quê hương nước mắt Chiêm Thành

Anh xa quê hương bao giờ trở lại?

Giọt sầu nhỏ xuống đêm đen.

 

Rồi tiếp tục than thở, giọng cố gắng bình thản

Như chim tha hương qua miền gió lạnh

Cánh nối đường mây thương nhớ ai hoài

Tự nhìn lại chính mình, tự tìm hiểu nguyên do của sự thay đổi, của sự chia xa:

Dù chỉ một lần đi kiếm tương lai

Hai bàn tay không, hai bàn chân mỏi

Rồi lại nấc, nghẹn trong lời tự trách:

Giận mình hóa kiếp muôn năm

 

Có lẽ do vì theo đuổi sự nghiệp mà chàng phải rày đây mai đó để người tình không chờ đợi được nữa và sang ngang. Bây giờ nhìn lại, thấy mình hai tay không, và hai bàn chân mỏi sau những giấc mộng vẫy vùng. Chỉ còn biết tự trách là sao trước đó mình không chấp nhận một giấc mộng bình thường, một hạnh phúc giản đơn... bên cạnh người yêu dấu.

 

Hay nhất là hai câu:

Như chim tha hương qua miền gió lạnh

Cánh nối đường mây thương nhớ ai hoài

Tự ví mình như cánh chim đi về phương xa. Thường thì chim đi về phương xa là chim trốn lạnh mùa đông, khi khí trời trở ấm thì quay về. Cho nên, chim tha hương bao giờ cũng nhớ về chốn cũ. Chuyến bay của chàng bay ngang vùng kỷ niệm cũng nghe lạnh buốt như thế. Lạnh vì tình đã mất, đã phai. Nhưng cứ "thương nhớ ai hoài." Bốn chữ này đọc lên nghe nhẹ tênh, nhưng bằng cái giọng Huế, nghe nó thấm lắm! Không phải là nỗi thương nỗi nhớ điên cuồng, da diết, tàn bạo, chết người, khủng khiếp, kinh hồn... mà chỉ là thương nhớ "hoài." Thương nhớ hoài thì không phải nhớ như kiểu lửa cháy, mà nhớ như kiểu mưa rơi. Vâng, mưa rơi nhẹ nhẹ, đều đều, mà thấm, mà buồn tê buồn tái đến tận xương tủy! Vả lại, chẳng phải nói thẳng thừng là thương nhớ em, hoặc thương nhớ một người mang tên Nga, tên Ngà, tên Ngọc, tên Thụy, tên Thúy, tên Thùy, tên Thủy... chi cả, mà thương nhớ "ai." Chữ "ai" vừa có thương vừa có hờn giận trong ấy. Thương nhớ ai hoài, phải đọc bằng chính cái giọng Huế của tác giả mới thấm thía là vậy.

 

Bốn chữ "cánh nối đường mây" cũng là bốn chữ rất tuyệt: vừa tả cảnh phi hành của mình trên cao xa, vừa nói cái nỗi sầu triền miên bất tận của mình trên nghìn trùng mây trắng. Từ trong phi cơ nhìn ra ngoài cửa sổ, chỉ thấy cánh máy bay và mây, cánh nối đường mây. Bốn chữ thật tuyệt. Không ai tả cánh chim, hay chuyến bay xa của một kẻ phi hành bằng bốn chữ độc đáo như Kim Tuấn. Bốn chữ này đi với bốn chữ kia, đọc lên nghe lạnh vào thấu trong tim.

Cánh nối đường mây thương nhớ ai hoài.

 

Sau cái nấc, cái nghẹn thứ nhì, chàng bỗng thổn thức, uất nghẹn dâng cao hơn, không giấu giếm cơn đau nữa, nói thẳng ra là mình đã khóc:

Nước mắt anh đây, cuộc đời giả trá

Rồi lại uất nghẹn:

Có gì để nhớ nhau thêm?

 

Cuộc đời nào mà giả trá. Chỉ có con người giả trá thôi. Con người đó là con người nào? Không lẽ kêu tên người yêu ra mà nguyền rủa. Không. Chàng vẫn yêu nàng và tôn trọng nàng, dù nàng đã giả trá bằng cách viện dẫn đủ thứ lý do để chấm dứt sự chờ đợi chàng. Nàng giả trá nhưng chàng chỉ nói "cuộc đời giả trá." Chàng đã tha thứ. Nói một lời uất nghẹn:

Có gì để nhớ nhau thêm?

 

Không nhớ những lời giả trá. Chỉ nhớ những kỷ niệm, bên tháp cổ, mưa bay. Hai đứa nấp mưa nơi tháp cổ. Nhìn ra ngoài, mưa giăng trên mặt sông rộng. Một vài kỷ niệm đủ để thương nhớ ai hoài. Và, cánh tiếp tục nối đường mây. Bay xa, bay xa thêm. Ði vào nơi gió lạnh, hiểm nguy. Có ngọn núi cô độc đứng sừng sững bên rừng. Và ở nơi chốn an bình kia, cầu chúc em được hạnh phúc trăm năm, trong một giấc mộng êm đềm.

Ðường xa, đường xa, bên rừng núi đứng

Thương em trăm năm giấc mộng êm đềm.

 

Giận, đau khổ đến là thế, mà vẫn cứ thương hoài. Ở chữ "thương" lặp lại một lần cuối bài, vừa gửi lại cái thương hoài của mình, vừa là một lời cầu chúc. Ðó là cái đẹp muôn đời của một tâm hồn nghệ sĩ. Cái đẹp đó làm cho những cuộc tình dù gian dối, giả trá đến đâu, vẫn đẹp và đáng thương hoài.

 

(California, tháng 02.2002)

 

 

 

 

 

Trở về mục Đọc Thơ