Bùi Giáng

(1926 - 1998)

Hỏi tên: rằng biển xanh dâu

Hỏi quê: rằng mộng ban đầu đã xa.

BÙI GIÁNG

 

Cõi thơ đáng đọc nhất là cõi thơ Bùi Giáng. Người thơ đáng học nhất là người thơ Bùi Giáng. Tôi nghĩ vậy. Nhưng, tuy đã trích một số thơ của ông để giới thiệu từ mười năm trước, tôi vẫn chưa viết được một chữ về ông.

Có thể nói là tôi rất sợ. Sợ rằng mình không đủ năng lực để luận giải hay chạm đến cảnh giới và nguồn cơn của một cuồng-thi-sĩ thượng thừa như thế.

Tôi đã đọc vài người viết về ông từ những năm ông vừa mất. Họ bàn luận về cõi điên và cõi thơ của ông, đọc nghe thú vị lắm. Rồi trôi đi mười năm, mười bốn năm kể từ khi ông từ giã cõi đời thơ mộng, tôi vẫn có hy vọng một lúc nào sẽ tỉnh táo và hứng thú để viết chi đó, phân tích hoặc bàn luận về nhà thơ điên có một không hai của nền thi ca Việt Nam. Nhưng tôi đã thất bại. Thực sự là chẳng thể viết gì được về con người và cõi thơ dị thường ấy.

Gom lại những ngôn từ ông dùng đến trong thơ, chẳng bao nhiêu cả. Xào đi, xáo lại, đảo tới đảo lui, vẫn bấy nhiêu con chữ ấy thôi. Nhưng ý lực và ngôn lực thì vô cùng mạnh mẽ, vô cùng thênh thang. Trong khuôn khổ mà vượt ngoài khuôn khổ, trong vần điệu mà không vướng mắc ở vần điệu. Ý lực đẩy cho ngôn từ tràn lan. Ngôn lực phá tung những vần điệu và thể cách. Là dòng cuồng lưu của ngôn ngữ, mà đồng thời là vũ điệu sương khói nhẹ nhàng của những con chữ trên sàn nhảy hư không.

Đây, hãy đọc thử một bài lục bát:

Mùa phượng cũ

Thiệt thòi đời mộng phiêu linh
Cành sương ngọc thụ tồn sinh cát lầm
Giấc quày quả lạnh anh trâm
Bóng đu sung rớt bến trầm luân sâu
Hoài mong hiu hắt nhịp cầu
Mà hương quan vắng xa màu mây trôi.

Sim ngàn sổ lá buông rơi
Cành Nam ước nguyện sai lời tử sinh
Gió sương từ tạ biên đình
Bóng sa hồ khép chặt tình mông lung
Rêu tần ngần tuyết in phong
Sóng phơi trường mộng từ trong dậy nguồn

Rập rờn đầu liễu xanh buông
Mùa trăng nước đẩy xô buồn đi xa
Trang hồng kim rải ra hoa
Trổ bông mùa phượng cũ đà hồ phai
Tơi bời ngọc trắng măng mai
Khuynh thành sắc nọ đưa vai nghiêng về.

Đọc thơ ông, nếu không hiểu chi, cũng không sao. Giống như nhạc, hay như một vũ điệu. Hãy nghe, hãy nhìn. Tinh túy của nó dường như không đặt nơi ý tứ, mà ở nơi tiết điệu của âm thanh và sự uốn lượn của hình sắc. Ngay nơi tiết điệu và sự uốn lượn ấy, nắm lấy cái ý, còn không thì sẽ chẳng bao giờ nắm được về sau. Nhưng cứ đọc. Và không nhất thiết phải bàn.

Cho nên, nói rằng tìm cơ hội nào đó thật tỉnh táo hay hứng cảm cùng tột để viết về ông,  về thơ ông, là điều bất khả. Mà chờ đợi một cơn điên chợt đến để đọc lại càng bất khả. Bởi cơn điên tối thượng ấy của ông, khó mà thâm nhập nổi. Điên quá đến nỗi chẳng còn chi là thơ thì không thể đọc thơ điên. Thơ quá mà chẳng điên, cũng không thể cảm nhận được cái "rực rỡ," "lừng lẫy," "vẻ vang" (*) của cõi thơ-điên lồng lộng Bùi Giáng.

Vậy thì, hãy cứ đọc. Đừng nói nữa.

California ngày 7/7/2012

Vĩnh Hảo

____________

(*) chữ của Bùi Giáng dùng trong "Tiểu Sử Tự Ghi" ngày 22.8.1993, năm năm trước khi ông mất.

---oOo---

 

TIỂU SỬ TỰ GHI: (của nhà thơ Bùi Giáng - nguồn: vnthuquan.net)

 

1926 - được bà mẹ đẻ ra đời


1928 - bị té bể trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm, hai năm trời chết đi sống lại


1933 - bắt đầu đi học a, b, c... trường làng tại Thanh Châu với Thầy Cù Đình Qúy


1936 - học trường Bảo An với thầy Lê Trí Viễn


1939 - ra Huế học tư thục với những thầy Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh Nguyễn đức Nguyên, Đào duy Anh, vân vân


1940 - về Quảng Nam chăn bò


1942 - trở ra Huế, vì nhớ nhung gái Huế


1949 - nhập ngũ , bộ đội công binh. Hai năm sau giải ngũ


1952 - vào Sài gòn, 1955 (57) khởi sự viết về Nguyễn Du và một vài nhận xét về Truyện Kiều và một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan, một vài nhận xét về Chinh Phụ Ngâm...(TÂN VIỆT xuất bản)


1957 - TÂN VIỆT xuất bản :giảng luận về Tản Đà Nguyên Khắc Hiếu, giảng luận về Chú Mạnh Trinh, giảng luận về Tôn Tho Tường và Phan Văn Trị.


1962
Tập thơ Mưa Nguồn
Tư Tưởng Hiện Đại


1963
Lá Hoa Cồn (thơ)
Ngân Thu Rớt Hột (thơ)
Màu Hoa Trên Ngàn (thơ)
Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại (hai tập) (do đứa em ..)


1965 - nhà cháy mất trụi bản thảo
In vội vàng Sa Mạc Phát Tiết (An Tiêm)
Dialogue (viết Avantpropos (viết giúp cho Nhất Hạnh, Lá Bối) và Letre à René char) (Lá Bối in)
Sa Mạc Trường Ca (An Tiêm in bản)


1968 - 68
Dịch Martin Heidegger Erlauteninger gu Heidergger dich. Giảng giải về thơ.
(Lời, Cố Quận (An Tiêm) Lễ Hội Tháng Ba) (Quế sơn Võ Tánh)
Con Đường Ngã Ba (An Tiêm)
Bài Ca Quần Đạo (Nguyễn Đình Vương)
 

1969 - Bắt đầu điên rực rỡ
 

1970
1. Lang Thang Du hành Lục Tỉnh (Khách sạn Long xuyên Bà Chủ cho ở đầy đủ tiện nghi không lấy tiền)
2. Gái Châu Đốc Thương yêu và Gái Long Xuyên Yêu dấu
3. Gái Chợ Lớn Khiến bị bịnh lậu (bịnh hoa liễu)
 

1971 - 75 - 93
Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang
Rong chơi như hài nhi (con nít)
Được gia đình ông Phó Chủ Tịch (482) Lê Quang Định, Hội Đồng Thành Phố đối xử thơ mộng thênh thang.
Kính dâng Kim Thúy, Kim Hồng, Kim Hoa, đôi lời rốt cuộc...
Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô)
Do đâu mà ra được như thế?
Đáp: Có lẽ đầu tiên kỳ tuyệt là do ân nghĩa bốn bề thiên hạ đi về tập họp tại Già Lam, Vạn Hạnh và Long Huê và Tịnh Xá Trung Tâm và Pháp Vân và xiết bao Chùa Chiền Miền Nam nước Việt, không biết nói sao cho hết.
 

(22-8-93)

 

oOo

 

 

 

 

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh

Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lả
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình

Anh quên mất bò đương gặm cỏ
Anh chỉ nghe tiếng cọ rì rào
Có hay không? bò đương gặm đó?
Hay là đây tiếng gió thì thào?
Hay là đây tiếng suối lao xao
Giữa giòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống?

Mùi thoang thoảng lách lau sương đượm
Mùi gây gây gấy gấy của hương rừng
Mùi lên men phủ ngập mông lung
Không biết nữa mà cần chi biết nữa

Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết trời đất có ngó mình không
(Vĩnh Trinh - Thạch Bàn 1950)

 

 

Áo xanh

Lên mù sương, xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Thì xin cứ để bóng chiều đi qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
(1926 - 1998)

 

 

Chào Nguyên Xuân

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng


Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên hồ nước có bóng ta bên người


Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau


Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng: bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: li biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.”

 

 

Cây cỏ dậy thì

Em đi cây cỏ dậy thì
Ngày xuân vô lượng cùng đi lên đường
Trùng lại giây phút phố phường
Niềm vui quá khứ phi thường hồi sinh.

 

 

Chiều

Em ngó buổi chiều buồn có phải
Buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa
Tròng con mắt đã mỏi mòn có phải
Sắc của trời hương của đất lưa thưa

Những nhịp bước bên đường còn dội mãi
Vang về đâu không vọng lại hồi âm
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
Gió phương trời ù mộng giữa hoa tâm

Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thoả đáng giữa đời câm
Em ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm năm.

 

 

Dư vang

Sáng nay chim hót lạ lùng
Tưởng từ mộng tưởng núi rừng xa xôi
Sáng nay mây gió đầy trời
Vườn Xuân lá lục em ngồi ngắm hoa

Sáng nay tình tự ngọc ngà
Người yêu ở lại giang hà tuổi xanh
Ngàn dặm em đi cùng anh
Dừng chân bến nước long lanh mây vàng

Ta ngồi ngóng mãi dư vang
Kéo dài giữa cuộc tân toan sinh bình
Dư vang từ những bình minh
Phương trời cổ lục kiên trinh đợi người.

 

 

Vì sao khùng

Vì yêu dấu quá Nàng thơ
Với em vô tận nên ngơ ngẩn buồn
Thần tiên Thánh Phật bao dung
Hiểu lòng tôi lắm - tôi khùng vì thơ.

 

 

Mười hai con mắt

Hùm thiêng một cặp nhu mỳ
Một đôi bốn mắt từ bi mơ màng
Từ phen đá biết tuổi vàng
Một lời vâng tạc muôn vàn mai sau
Ăn làm sao? nói làm sao?
Thủy chung muôn một? còn đau đớn nghìn?
Hùm thiêng chắp nối của tin
Cho người thổn thức cầu xin đá vàng
Ấy từ khởi sự dư vang
"Ngựa về Núi Đá điêu tàn đầu thai"
Em về trúc thạch mốt mai
Sẽ nhìn thấy mãi thiên tài chết điên
Từ Bi một cặp Hùm Thiêng
Sẽ từ đó nói liên miên một lời.

 

 

Người con gái mặc quần

Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
đen và đỏ là hai màu rồi đó
cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên

Người con gái hôm nay mặc quần trắng
vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh

Người con gái hôm nay mặc quần tím
vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
vàng và tím là hai màu mỉm miệng
mím môi cười và chúm chím nhe răng

Người con gái hôm nay mặc quần rách
vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
lành và rách đều vô cùng trong sạch
bởi vì là lành rách cũng long lanh.

 

 

Lời người điên

Chúng tôi người ngợm vô thường
Lúc mê man lúc chán chường thể thân
Các em gắng gổ đôi phần
Đừng quên uống rượu lần khân sinh bình
Dịu dàng sống giữa gia đình
Ngày ngày tháng tháng hậu tình năm năm
Trái tim nguyệt tỏ đêm rằm
Máu me mây gió tơ tằm vấn vương
Ở đời kiệt tận xẩu xương
Hình hài biến thể thân mường tượng thân.

 

 

Giòng sông

Chiều bên lá lung lay vàng cửa khép
Bóng trời sa trùm phủ tiếng em cười
Vườn cỏ lạnh hoa buồn không nói xiết
Bước chân dừng nghe rã lệ hai nơi

Lời hẹn ước em nghiêng đầu tóc xõa
Để than van sầu thiên cổ theo nhau
Hồn tuổi trẻ bay trở về giữa dạ
Nhờ dung nhan em bất tuyệt xuân đầu

Trời thuở đó ngần nào em khổ sở
Khóc khi nhìn gió thổi nước sương buông
Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ
Giòng sông em đâu có biết ngọn nguồn.

 

 

Người điên uống rượu

Uống và say nói lăng nhăng
Miệng mồm lý nhý thằn lằn đứt đuôi
Tâm can chân thể chôn vùi
Mặt trời không mọc với người lem nhem
Còn đâu nguyệt tỏ bên thềm
Ôi người uống rượu còn thêm điên rồ.

 

 

Mái hiên

Bay về ổ chín từng cao
con chim giã biệt chào mái hiên
nước lang thang cháy xà miền
vòng quanh ngõ nọ mà triền miên chi
tôi người thủy thủ ra đi
chân trời thấy nước đợi kỳ lên mây
sao đêm đố xuống triều đầy
ai đưa kiếm vút ngang mày hư không

gió theo cánh ngỗng ngang trời
chớ sương tuyết cũ lại đời phiêu linh
từ đây ta hẹn với mình
hồn trong cõi mộng biên đình chưa tan
đầu hiên cung bậc điêu tàn
lần kia đổ giậu giọng vàng xô mau
lạnh lụng dấu bước bờ sau
mấy đời ly biệt về đau trong mình
năm sầu sa mạc nín thinh
đi vào giá buốt mông mênh cuối trời.

 

 

Những nhành mai 

Những nhành mai sớm sương bên lá
Những nhành liễu chiều gió bên cây
Cũng lay lắt bởi đời xuân em ạ
Thế nên chi anh cũng viết giòng này .

Hồng vàng tụ bữa kia em có thấy
Nước xuôi giòng là cổ độ nhìn theo
Tuổi mười sáu bây giờ lên gấp gảy
Mộng miên man là mây phủ lưng đèo

Buồn phố thị cũng xa bay như gió
Cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu

Tìm theo dấu chân người xưa tư lự
Ở bên đường ngóng dõi khánh vân bay
Mờ con mắt một lần lên tiếng thử
Em ồ em, anh nói một lời này.

 

 

Quanh co

Quanh co phường phố gọi mình
Sao ngôn ngữ bỗng tự tình quả nhiên
Cô đơn chứa đựng đầy miền
Cảo thơm tiền kiếp quả nhiên bây giờ.

 

 

Màu trời đó

Màu trời đó bữa nay về trở lại
Một mùa xưa người nhớ chứ năm kia
Ngày chạm mắt dưới mùa xuân man dại
Dịp trùng lai em hẹn với tan lìa

Đường có cỏ có bờl lau rộng có
Lá cây bay và em có đi qua
Bàn chân bước lệ buồn em có nhỏ
Xuống điêu tàn em khóc mộng tiêu ma

Nguồn thao thức ta về từ một buổi
Trời bay mây bốn hướng gió xa mong
Từng cánh én mang trùng dương về nội
Đâu rồi em? sóng đục đã theo giòng

Em cho phép ta ngồi đây hỏi lại
Và gọi về trăng mùa cũ lang thang
Màu trời đó để ngàn sương hớt hải
Xuống li ti là dựng vội con đường.

 

 

Theo áng mây bay

Tháng năm dòng nước trôi xa
Người qua, người sẽ đi qua những người
Tôi qua... không một hẹn lời
Hẹn hò chi bấy, bước dời về đâu ?

Tặng đời đóa đóa hoa sầu
Nhớ nhau từ đóa mộng đầu rã đôi
Giọt nước như giọt mưa rơi
Mỗi mùa mưa đến tôi ngồi chắp tay

Mưa về đọng ở hàng mi
Mắt tôi hồng lệ dựng xây hồng vàng
Đèo bồng đeo đuổi đa mang
Đẩy xua u oán, đá vàng hiểu cho

Đi đi lỡ bước sang đò
Cuồng ca túy vũ không dò lênh đênh
Đi đi suốt kiếp mỏi mềm
Nhọc nhằn đã lắm còn lênh đênh hoài

Gịot mưa gõ nhịp dẻo dai
Hoàng hôn gõ nhánh cửa cài kín bưng
Đi đi tình mộng vô chừng
Đăm chiêu vô tận ngại ngùng vỡ toang

Như tia nắng biếc chiều tàn
Lửa đời thoi thóp khôn hàn trái tim
Niềm vui níu nhánh mộng chìm
Tâm hồn cô độc tâm tình tìm nhau

Gom từng cơn nắng nhỏ chơi
Nụ cười hiu hắt phanh phơi nỗi đời
Nhánh đời gió lộng trùng khơi
Nhặt lên thả xuống chiều vời vợi bay.

 

Nỗi lòng Tô Vũ

(Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi
Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú )


Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh

Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút giòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be

Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba qua rú rậm luống rùng mình

Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng

Em nhớ hay không? hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa

Nhưng từ nay Giáp Nam anh đóng trại
Cố định rồi - em khỏi ngại ngày đêm
Dưới nắng mưa tha phương du mục mãi
Cay đắng từng, bùi ngọt mặn mà thêm

Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện
Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi
Khoanh mấy vòng tay anh thoăn thoắt bện
Vòng cho em từng chiếc sắp xong rồi

Chiều đã xuống em đà no nê chắc
Huýt tù và! em xúm xít lại anh đeo cho
Mỗi chúng em mỗi vòng mây mỗi sắc
Lại mau đây! to nhỏ cổ anh so

Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này em Hoa Cà
(1) hỡi! chiếc nâu

Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên

Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi
(2)

Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình - Dê hỡi hiểu vì sao ?
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưa ?
Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa

Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha

Và giờ đây hoàng hôn mờ trĩu nặng
Bốn bề tràn lan bóng mịt mùng sa
Xếp hàng ngay nhanh lên hàng ngũ thẳng
Rập ràng về bế hế rập ràng ca
.


____________


(1) Dê Hoa Cà có lông lổ đổ tía hồng xem như hoa cà vậỵ Đẹp vô cùng. Nhất là những buổi chiều, sắc lông óng ả dưới nắng vàng - xa xa hình bóng dê rực rỡ nổi bật trên triền núi xanh lợ Dê Hoa Cà còn gọi là Dê Sao (vì lông lổ đổ sáng như sao).
(2) Ý nói cái lần đầu, thuở hai mươi tuổi, trao cái
vòng ngọc cho vị hôn thê mà không cảm động bằng lần đầu đeo vòng cho dê vậỵ

 

 

 

 

 

Trở về mục Đọc Thơ